Friday, October 18, 2024

Phân biệt IT Helpdesk, System và Network

-

IT Helpdesk, System Administrator và Network Administrator là ba vai trò khác nhau trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Đây là một số điểm khác biệt giữa các vai trò này.

1. IT Helpdesk.

IT Helpdesk (còn được gọi là IT SupportTrung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật) là những người hỗ trợ khách hàng hoặc nhân viên trong một tổ chức về các vấn đề kỹ thuật. Các chuyên viên IT Helpdesk có nhiệm vụ giải quyết các sự cố đơn giản, như quên mật khẩu hoặc không thể truy cập vào một ứng dụng nào đó. Họ thường được đào tạo để giải quyết các vấn đề cơ bản và có thể giúp đỡ thông qua điện thoại, email hoặc các công cụ hỗ trợ từ xa. Dưới đây là một số công việc phổ biến của IT Helpdesk.

  • Hỗ trợ khách hàng hoặc nhân viên trong việc sử dụng hệ thống máy tính, phần mềm và ứng dụng.
  • Giải quyết các vấn đề kỹ thuật cơ bản liên quan đến hệ thống máy tính, phần mềm và ứng dụng.
  • Thiết lập và cấu hình thiết bị và phần mềm mới.
  • Kiểm tra và khắc phục các lỗi hệ thống máy tính.
  • Cung cấp hướng dẫn, hỗ trợ và giải đáp các câu hỏi của khách hàng hoặc nhân viên.
  • Quản lý và giám sát hệ thống máy tính và mạng (các bạn ở bộ phận này thường phải leo trần nhà hoặc chui gầm bàn đi sửa dây mạng,…).
  • Đào tạo nhân viên mới về việc sử dụng hệ thống máy tính và phần mềm.
  • Bảo trì và nâng cấp phần mềm và phần cứng.
  • Giám sát và bảo vệ các tài khoản và hệ thống chống virus.
  • Quản lý và giám sát các hệ thống sao lưu và khôi phục dữ liệu.

IT Helpdesk không phải là vai trò chịu trách nhiệm về các công việc như sửa ống cống, sửa điện nước, điện gia dụng…Các công việc này thuộc về lĩnh vực kỹ thuật khác và thường được thực hiện bởi các chuyên viên khác như kỹ thuật viên, kỹ sư hoặc nhân viên kỹ thuật chuyên dụng. IT Helpdesk chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề kỹ thuật cơ bản liên quan đến hệ thống máy tính và các ứng dụng, và hỗ trợ khách hàng hoặc nhân viên trong việc sử dụng chúng.

Có một số công ty yêu cầu IT Helpdesk thực hiện các công việc kỹ thuật khác ngoài phạm vi công việc của họ vì một số lý do như sau:

  • Thiếu nhân lực kỹ thuật: Một số công ty có thể không có đủ nhân lực kỹ thuật để đảm nhận tất cả các nhiệm vụ kỹ thuật trong công ty, do đó IT Helpdesk sẽ phải thực hiện các công việc khác ngoài phạm vi công việc của họ để hỗ trợ cho các bộ phận khác trong công ty.
  • Tiết kiệm chi phí: Thay vì tuyển thêm nhân viên kỹ thuật chuyên dụng để thực hiện các công việc nhỏ hằng ngày, một số công ty quyết định giao cho IT Helpdesk để tiết kiệm chi phí.

Hiện nay nhiều công ty thường kết hợp sử dụng IT Helpdesk để làm luôn cả công việc của System và Network nhưng lương thì vẫn trả ở mức IT Helpdesk, việc yêu cầu IT Helpdesk thực hiện các công việc khác ngoài phạm vi công việc của họ có thể gây ra căng thẳng và tình trạng quá tải công việc cho IT Helpdesk, gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và chất lượng dịch vụ của họ. Vì vậy, nếu công ty yêu cầu IT Helpdesk thực hiện các công việc khác ngoài phạm vi công việc của họ, công ty cần đảm bảo rằng các công việc này được đào tạo và hỗ trợ đầy đủ về mặt kỹ thuật và thu nhập để đảm bảo hiệu suất và chất lượng dịch vụ được đảm bảo.

2. System Administrator.

System Administrator (còn được gọi là Quản trị viên Hệ thống) là những người quản lý và duy trì các hệ thống máy chủ của một tổ chức. Các quản trị viên hệ thống có nhiệm vụ cài đặt, cấu hình và bảo trì các phần mềm và phần cứng trong hệ thống. Họ cũng phải đảm bảo rằng hệ thống đang hoạt động đúng cách, cập nhật bảo mật, và khắc phục sự cố nếu có.

Cụ thể, đây là một số công việc chính của System Administrator:

  • Cài đặt, cấu hình và bảo trì hệ thống máy tính, phần mềm, hệ thống lưu trữ dữ liệu, máy chủ và các thiết bị mạng.
  • Giám sát và bảo vệ hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng, virus, tấn công mạng và phần mềm độc hại.
  • Quản lý và giám sát các tài khoản người dùng, phân quyền và quyền truy cập hệ thống.
  • Thực hiện các bản sao lưu hệ thống và khôi phục dữ liệu khi cần thiết.
  • Giám sát và bảo trì hệ thống bảo mật mạng, cập nhật các bản vá bảo mật và các chính sách bảo mật.
  • Thực hiện các thử nghiệm bảo mật, đảm bảo tính an toàn và tin cậy của hệ thống.
  • Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giải đáp các thắc mắc cho người dùng về các vấn đề kỹ thuật.
  • Quản lý và giám sát tài nguyên máy chủ, bao gồm việc cấu hình, tối ưu hóa và cập nhật hệ thống.
  • Thực hiện các nhiệm vụ quản lý hệ thống, bao gồm giám sát và phân tích hiệu suất hệ thống, lập kế hoạch nâng cấp và mở rộng hệ thống.
  • Đảm bảo tính khả dụng của hệ thống, đảm bảo rằng hệ thống luôn hoạt động hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu của người dùng.

Cũng như IT Helpdesk thì với System Administrator ở nhiều công ty tại Việt Nam đều phải làm luôn các công việc của IT Helpdesk, Network Administrator và thậm chí là phải đi thông cống, sửa bồn cầu,… Vì vậy các bạn hãy update kiến thức thật nhanh chuyển sang công ty lớn hơn để tránh làm những công việc không đáng nhé, khi các bạn làm ở công ty lớn thì nếu các bạn làm ở vị trí System Administrator thì bạn sẽ không cần làm gì ngoài phạm vi công việc của bạn, đơn giản nhất là nếu máy tính, chuột, bàn phím,… của các bạn bị hỏng thì các bạn không cần phải sửa. Công ty sẽ có đội IT Helpdesk riêng, họ sẽ tới sửa máy cho các bạn.

3. Network Administrator.

Network Administrator (còn được gọi là Quản trị viên Mạng) là những người quản lý và duy trì các mạng máy tính của một tổ chức. Các quản trị viên mạng có nhiệm vụ cài đặt, cấu hình và bảo trì các thành phần mạng như router, switch và các thiết bị khác. Họ cũng phải đảm bảo rằng mạng đang hoạt động đúng cách, có bảo mật và khắc phục các sự cố mạng nếu có.

Cụ thể, đây là một số công việc chính của Network Administrator:

  • Thiết lập và cấu hình các thiết bị mạng như router, switch, firewall, load balancer, DNS server, DHCP server, VPN server và các thiết bị khác.
  • Giám sát và quản lý hệ thống mạng để đảm bảo tính khả dụng, hiệu suất và bảo mật của mạng.
  • Xử lý các sự cố liên quan đến mạng, bao gồm phát hiện, chẩn đoán và khắc phục các vấn đề mạng.
  • Quản lý và giám sát các kết nối mạng giữa các thiết bị trong hệ thống, bao gồm các kết nối WAN, LAN, VLAN, VPN và các kết nối khác.
  • Bảo mật và bảo vệ mạng khỏi các mối đe dọa bảo mật như tấn công mạng, virus, phần mềm độc hại và các cuộc tấn công khác.
  • Thực hiện các bản sao lưu và khôi phục dữ liệu để đảm bảo tính khả dụng của mạng.
  • Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giải đáp các thắc mắc cho người dùng về các vấn đề mạng.
  • Thiết lập và bảo trì các hệ thống giám sát mạng để giám sát, phân tích và báo cáo hiệu suất mạng.
  • Thực hiện các nhiệm vụ quản lý mạng, bao gồm cập nhật và nâng cấp hệ thống, tối ưu hóa hiệu suất mạng và mở rộng mạng.
  • Đảm bảo tính khả dụng của hệ thống mạng, đảm bảo rằng mạng luôn hoạt động hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu của người dùng.

Bản thân mình thì thấy với Network Administrator ít bị làm các công việc ngoài chuyên ngành hơnví dụ như như là các công việc của IT Helpdesk hoặc các công việc như điện nước, thông cống,… Vì ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ họ ít khi tuyển một đội Network riêng mà Network chủ yếu được tuyển dụng và làm việc ở môi trường ISP, đây là môi trường có network lớn nên họ thường sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình, nhưng đổi lại cơ hội việc làm của Network sẽ thấp hơn Helpdesk và System.

Cũng như System thì khi các bạn làm Network ở công ty lớn thì bạn sẽ không cần làm gì ngoài phạm vi công việc của bạn, đơn giản nhất là nếu máy tính, chuột, bàn phím,… của các bạn bị hỏng thì các bạn không cần phải sửa. Công ty sẽ có đội IT Helpdesk riêng, họ sẽ tới sửa máy cho các bạn.

4. Cơ hội việc làm và thu nhập.

IT Helpdesk là một công việc có nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên, thu nhập của IT Helpdesk thường thấp hơn so với Network Administrator và System Administrator. Điểm trừ của IT Helpdesk là thường bị sai vặt, làm các công việc không thuộc phạm vi của mình ví dụ như thông cống, khoan đục tường, điện nước,… Muốn thoát khỏi tình trạng này thì bắt buộc các bạn IT Helpdesk phải làm ở môi trường công ty lớn (ví dụ các công ty nước ngoài) hoặc phát triển lên System hoặc Network.

Lý do là vì IT Helpdesk là một công việc khá cơ bản và yêu cầu kỹ năng cơ bản trong việc giải quyết các sự cố kỹ thuật cơ bản. Trong khi đó, Network Administrator và System Administrator có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu hơn, và có trách nhiệm quản lý, bảo trì và tối ưu hóa các hệ thống mạng và hệ thống máy chủ của một tổ chức hoặc doanh nghiệp.

Vì vậy, Network Administrator và System Administrator thường được trả lương cao hơn, do có trách nhiệm lớn hơn trong việc quản lý và bảo trì các hệ thống kỹ thuật của tổ chức. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp, IT Helpdesk cũng có thể nâng cao thu nhập của mình bằng cách chuyển sang các vị trí quản lý kỹ thuật cao hơn hoặc trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực kỹ thuật cụ thể.

Theo bản thân mình thấy Network Administrator cơ hội việc làm sẽ ít hơn System Administrator vì Network Administrator chủ yếu làm ở môi trường ISP lớn nhưng ở tại một đất nước môi trường ISP thường sẽ ít hơn các doanh nghiệp.

Với System Administrator thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần và hơn nữa Network Administrator ở các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ) họ sẽ không tuyển dụng và thay vào đó họ sẽ tận dụng luôn System Administrator để vận hành hệ thống Network.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

4,956FansLike
256FollowersFollow
223SubscribersSubscribe
spot_img

Related Stories